Cần làm gì để giúp đỡ bệnh nhân trầm cảm

Besucherzähler Trở về trang chủ  www.x-stat.de/ trantrac 
.Tác giả: Nguyễn Huy Hoàng
    Trầm cảm là một tình trạng bệnh nghiêm trọng. Nếu như đau dạ dày chẳng hạn là một căn bệnh dễ tưởng tượng thì trầm cảm lại khó hình dung hơn, và trường xuyên bị coi nhẹ do bị đánh đồng với tâm lý yếu đuối của người bệnh. Trầm cảm có những tác động tiêu cực đến bản thân người bệnh, khiến họ không còn năng lượng, động lực để tiếp tục cuộc sống thường ngày, từ đó còn gây ra nhiều ảnh hưởng phụ tới những người xung quanh. Nguy hiểm nhất là đa số trường hợp trầm cảm dẫn đến hành vi tự tử của người bệnh.
    Những dấu hiệu, triệu chứng, hành vi, thái độ của bệnh nhân trầm cảm không nhất thiết là tính cách cá nhân của người đó. Trầm cảm ảnh hưởng rất tiêu cực tới trạng thái tinh thần, cảm xúc của bệnh nhân, khiến họ khó kết nối và duy trì được các mối quan hệ tình cảm với bên ngoài, thậm chí là bạn bè, gia đình, hay người yêu. Bệnh nhân trầm cảm có thể có những lời nói và hành động làm tổn thương chính mình và người khác mà nhiều khi là do không thể tự mình kiểm soát được chúng. Do vậy, không nên đánh đồng những biểu hiện của bệnh nhân trầm cảm với tính cách của người đó lúc họ khỏe mạnh, nếu không họ có thể sẽ cảm thấy bất lực, thất vọng hơn về chính bản thân mình khi bị người khác đánh giá.
    Che giấu hay lờ đi căn bệnh trầm cảm không thể khiến nó mất đi. Điều cần thiết là đối diện trực tiếp với căn bệnh trầm cảm, cho dù người bệnh có thể không muốn thừa nhận điều đó. Cả hai cần hiểu rằng trầm cảm là một căn bệnh không thể tự khỏi trong đa số trường hợp, đặc biệt là khi đã trầm trọng. Điều này là rất quan trọng trong việc động viên người bệnh khám và điều trị.
    Bạn không thể chữa khỏi căn bệnh trầm cảm cho họ. Đừng bao giờ cố cứu giúp một người khỏi căn bệnh trầm cảm của họ, trừ khi bạn là chuyên gia tâm lý. Việc điều trị căn bệnh trầm cảm là một hành trình dài và phức tạp, trong đó bản thân người bệnh có vai trò quan trọng, và thật không may là chưa chắc nó sẽ mang lại kết quả khả quan. Dù thế nào thì bạn cũng không nên tự đổ lỗi cho bản thân nếu như không thể giúp ích được gì cho người bệnh.                                                                                                                       

    Quan tâm tới người bệnh: 
    Do người thân và bạn bè là những người có thể gần gũi nhất với bệnh nhân trong quá trình điều trị, thậm chí có thể nhận ra những dấu hiệu của trầm cảm trước khi người bệnh tự nhận ra, bạn cần lưu ý tới những thay đổi bất thường của họ. Sự quan tâm của bạn cũng có thể là động lực giúp bệnh nhân trầm cảm mong muốn tìm kiếm sự giúp đỡ. Những dấu hiệu và triệu chứng này có thể gồm:
  • Có cảm giác “vô dụng” hay “tuyệt vọng.” 
  • Mất hứng thú với những hoạt động thường ngày. 
  • Giảm hoặc tăng cảm giác ngon miệng, kéo theo giảm hoặc tăng cân bất thường. 
  • Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ hay ngủ quá nhiều. 
  • Mất năng lượng, cơ thể luôn ở trong trại thái mệt mỏi, kiệt sức. 
  • Giận dữ và cáu gắt vô cớ. 
  • Mất tập trung. 
  • Tránh tiếp xúc với bạn bè, người thân. 
  • Lạm dụng rượu, các chất kích thích, thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc giảm đau. 
  • Tự gây tổn hại cho bản thân 
  • Có ý nghĩ tự sát 
  • Tự sát 
  • Trò chuyện với người bệnh

Khi nghi ngờ hoặc biết người thân hay bạn bè mắc bệnh trầm cảm, nếu có thể, bạn nên tìm cách nói chuyện với họ một cách thẳng thắn và chân thành. Có nhiều vấn đề khi bạn muốn bắt đầu nói chuyện với họ, như không biết bắt đầu từ đâu, hay lo sợ rằng nếu mình tỏ ra quan tâm hay lo lắng thì họ có thể giận dữ, cảm thấy bị xúc phạm (do cảm thấy bị thương hại), hoặc bỏ qua, từ chối trả lời.
Dù phản ứng của bệnh nhân trầm cảm thế nào thì bạn cũng cần nhớ một nguyên tắc tối quan trọng là chân thành lắng nghe mà không phán xét, và tránh đưa ra ý kiến hay lời khuyên. Hãy nhớ rằng bạn không thể tự mình chữa khỏi cho người bệnh, nhưng có thể lắng nghe câu chuyện của họ và giúp đỡ tìm ra giải pháp. Để làm được điều này, bạn cần tỏ ra quan tâm một cách thích hợp, tránh để người bệnh cảm thấy áp lực, đồng thời thể hiện rằng mình sẵn sàng lắng nghe bất cứ lúc nào họ muốn chia sẻ.
Cụ thể hơn, cần lựa chọn từ ngữ sao cho người bệnh cảm nhận được sự quan tâm đúng mực, được quan tâm, được lắng nghe, được ủng hộ, được tôn trọng. Bệnh nhân trầm cảm thường có xu hướng tự cô lập mình, do đó cần kiên trì và nhẫn nại động viên họ chia sẻ cảm xúc của mình. Cách nói chuyện cần gần gũi, đơn giản, sao cho bệnh nhân có thể dễ dàng trả lời mà không cảm thấy bức bối và áp lực.
Tuyệt đối tránh những lời nói mang tính phán xét, khuyên bảo, dễ gây tổn thương, như:
  • Tự cậu tưởng tượng ra thôi. 
  • Ai cũng đều có lúc thế cả. 
  • Thử nhìn tích cực hơn xem. 
  • Cuộc đời còn bao nhiêu điều đáng sống mà sao cậu lại muốn chết? 
  • Tớ không giúp gì được cho cậu cả. 
  • Mọi chuyện rồi sẽ qua thôi. 
  • Đừng nghĩ nhiều nữa. 
  • Mạnh mẽ lên chứ! 
Thay vào đó, nên bày tỏ sự quan tâm chân thành và ý muốn giúp đỡ, như:
  • Tớ luôn sẵn sàng lắng nghe. 
  • Nếu cậu cần tớ giúp gì thì cứ nói nhé, tớ sẽ cố gắng giúp cậu. 
  • Tớ rất quan tâm đến cậu. Có thể tớ không hiểu được những gì cậu đang phải trải qua, nhưng tớ luôn ở đây bên cậu. 
  • Chúng mình có thể cùng nhau vượt qua chuyện này. 

Tự chăm sóc bản thân

Mặc dù ai cũng muốn giúp đỡ người thân và bạn bè của mình nhanh nhất có thể, nhưng cần nhớ rằng căn bệnh trầm cảm lại nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát được sức khỏe thể chất và tinh thần của mình. Việc giữ gìn sức khỏe của bản thân cũng quan trọng không kém gì việc điều trị của bệnh nhân, vì thế bạn cần ưu tiên cho sức khỏe của mình. Những người muốn giúp đỡ bệnh nhân trầm cảm thường nhanh chóng cảm thấy bất lực, giận dữ, xấu hổ, thậm chí sụp đổ trước bệnh tình của họ. Do đó bạn cần nạp đủ năng lượng cho mình để sẵn sàng giang tay giúp đỡ bệnh nhân trầm cảm khi cần. Một số điểm nên lưu ý:
  • Nói ra nếu cần thiết. Bạn có thể do dự hoặc không muốn làm tổn thương bệnh nhân trầm cảm, nhưng trò chuyện một cách thẳng thắn có thể sẽ giúp mối quan hệ giữa bạn và người đó ổn định về lâu về dài. Nếu bạn chọn cách âm thầm chịu đựng những cảm xúc tiêu cực trong quá trình giúp đỡ bệnh nhân trầm cảm thì có thể cả hai sẽ lâm vào tình trạng tồi tệ hơn.
  • Thiết lập giới hạn. Bạn cần hiểu rõ bạn có thể giúp đến đâu. Nghe có vẻ nhẫn tâm, nhưng có những giới hạn mà bạn không thể tự mình vượt qua, ngay cả khi đó là người bạn yêu nhất. Ngoài phạm vi đó, bạn cần tìm sự giúp đỡ từ những người khác.
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ. Không có nghĩa là bạn buông bỏ hay thậm chí phản bội bệnh nhân trầm cảm, chỉ đơn thuần là bạn cần sự giúp đỡ để có thể tiếp tục cùng họ vượt qua. Trò chuyện với một người quen khác để cả hai cùng tìm cách, hoặc nếu có thể, tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia là một cách để nâng cao khả năng của mình.

Động viên người bệnh tới gặp chuyên gia

Nỗ lực của bản thân bệnh nhân là một yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị trầm cảm. Nghịch lý là người bị trầm cảm có thể có những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, thậm chí tin rằng trường hợp của mình là vô vọng và không thể cứu chữa, từ đó chối bỏ sự quan tâm của mọi người, nếu có, và không muốn tới gặp chuyên gia tâm lý. Bạn có thể bắt đầu bằng cách trò chuyện với người bệnh để giúp họ hiểu rằng trầm cảm là có thể chữa được, và kiên nhẫn và khéo léo động viên họ tới gặp chuyên gia. Ngay cả khi họ từ chối, bạn cũng nên thử áp dụng một số phương pháp sau:
  • Tới gặp bác sĩ quen. Cho dù không phải là chuyên gia tâm lý, bác sĩ quen của người bệnh cũng có thể xác định những dấu hiệu, triệu chứng ban đầu và có thể đưa ra lời khuyên hữu ích, trong đó có việc giới thiệu tới một chuyên gia tâm lý. Bằng cách này, người bệnh có thể bớt lo lắng khi không phải trực tiếp tới thăm khám với một bác sĩ xa lạ.
  • Giúp người bệnh tìm chuyên gia tâm lý và đưa họ đi tư vấn. Cần hiểu rằng trầm cảm là một căn bệnh có quá trình điều trị phức tạp và khác nhau đối với từng người. Không phải liệu pháp nào cũng có thể phát huy tác dụng ngay từ lần đầu tiên. Bạn có thể giúp người bệnh tìm chuyên gia tâm lý và sắp xếp, đưa đón người bệnh tới các buổi tư vấn.
  • Giúp đỡ người bệnh trong quá trình tư vấn. Bạn có thể động viên và giúp đỡ, cùng người bệnh liệt kê những dấu hiệu, triệu chứng để chuyên gia có cái nhìn tốt hơn về trường hợp của họ, chẳng hạn bằng cách tạo hai bảng danh sách, một của chính người bệnh, và một của bạn trong vai trò người quan sát.

Hỗ trợ quá trình điều trị

Khi đã đưa được bệnh nhân trầm cảm tới gặp chuyên gia tâm lý và thống nhất được một liệu pháp, điều quan trọng bạn cần làm là tiếp tục ở bên cạnh, động viên và giúp đỡ người bệnh trong suốt quá trình điều trị:
  • Sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho người bệnh. Trong đó có trao đổi với chuyên gia tâm lý và tìm hiểu thêm liệu pháp điều trị để hỗ trợ người bệnh, theo dõi quá trình điều trị, ghi nhận những chuyển biến nếu có.

  • Hãy thực tế: Điều trị trầm cảm là một tiến trình dài, có thể diễn ra chậm và đôi khi không có tiến triển. Phải kiên định với liệu pháp của chuyên gia và kiên nhẫn khi kết quả không được như mong muốn.
    Khuyến khích và cùng người bệnh tham gia các hoạt động hữu ích. Giúp người bệnh trầm cảm giữ gìn sức khỏe thể chất, tham gia các hoạt động tích cực (chẳng hạn như chạy bộ) mà người bệnh có hứng thú theo lời khuyên của chuyên gia, cũng như giúp người bệnh duy trì các mối quan hệ gia đình, bạn bè, và xã hội.
  • Nếu người bệnh muốn tự tử
    Tỉ lệ tự sát ở người mắc bệnh trầm cảm là rất cao, khi người bệnh lâm vào trạng thái tuyệt vọng và cảm thấy chết là cách giải quyết khủng hoảng duy nhất mà họ có. Cần lưu ý rằng trầm cảm khiến bệnh nhân có suy nghĩ không tỉnh táo theo cách thông thường, và dù họ có muốn tự tử đi chăng nữa thì lý do đằng sau cũng chỉ là họ muốn thoát khỏi trạng thái suy sụp mà trầm cảm gây ra.
    Tự tử ít khi là một hành động bộc phát, mà thường là một tiến trình âm thầm diễn ra trong một vài ngày cho tới một vài tháng. Hầu hết những người từng tử tự đều có những dấu hiệu cho thấy ý định của họ, cần hiểu rằng khi nghĩ đến tự tử, họ đang cần được giúp đỡ hơn bao giờ hết. Vì thế việc nhận ra những thông điệp đó và can thiệp kịp thời là tối quan trọng. Những dấu hiệu này có thể bao gồm:
    • Nhắc tới tự tử, cái chết. Thông điệp rõ: “Tớ chết đi thì hơn,” “Tớ không muốn sống nữa,” “Tớ sẽ chết,”… Thông điệp ẩn: “Giá mà tớ chưa từng được sinh ra,” “Mọi người sẽ tốt hơn nếu không có tớ,” “Nếu tớ còn gặp lại cậu,”…
    • Tìm kiếm cách thức gây chết. Chuẩn bị dao, súng, thuốc ngủ, thuốc độc.
    • Lo lắng về cái chết. Thường xuyên nghĩ tới cái chết một cách vô thức. Viết thơ, viết truyện, viết trạng thái trên mạng xã hội liên quan đến cái chết.
    • Nói lời tạm biệt. Tới thăm bạn bè và gia đình, nói lời tạm biệt, từ biệt.
    • Cô lập bản thân, biến mất.
    • Cho đi những đồ vật quý giá.
    • Tự gây hại cho bản thân. Sử dụng chất kích thích, ma túy, chất cồn; tự cắt; quan hệ tình dục không an toàn; lái xe tốc độ cao;…
    • Đột nhiên cảm thấy thanh thản, hạnh phúc. Sau khi quyết định tự tử, nhiều người có cảm giác yên bình nhất thời, trong một vài ngày, do cơn khủng hoảng tạm được dỡ bỏ.
    Khi nhận ra những dấu hiệu cho thấy người bệnh có ý định tự tử, bạn cần tìm cách nói chuyện với họ sớm nhất có thể. Cần thẳng thắn đặt vấn đề và chăm chú lắng nghe vấn đề của họ, tuyệt đối không được đưa ra phán xét hay phản đối, sao cho họ cảm nhận được sự quan tâm và giúp họ hiểu rằng bạn cảm nhận được nỗi đau của họ. Nếu người bệnh đã lên kế hoạch tử tự cụ thể thì cần khéo léo tìm hiểu (họ định tự tử khi nào, bằng phương thức gì) và can thiệp khẩn cấp mà không làm họ khủng hoảng và đẩy nhanh quá trình tự sát của mình. Tuyệt đối tránh:
    • Phản đối ý định tử tự của người bệnh. Không được nói những câu như “Cuộc đời cậu còn dài,” “Cậu chết thế là bất hiếu,” “Cậu không nghĩ cho người khác được à?” “Nghĩ tích cực hơn đi!”…
    • Phản ứng thái quá. Không được khuyên nhủ, đặc biệt là dạy dỗ người có ý định tự tử về ý nghĩa của cuộc sống, hay nói tự tử là hèn nhát, ích kỷ, sai lầm.
    • Tự đổ lỗi cho chính mình.
    Nếu người bệnh từ chối nói chuyện, im lặng, hoặc nổi giận thì cũng cần kiên nhẫn cho họ biết rằng họ không đơn độc và không phải chịu đựng một mình. Tuyệt đối không để người đang có ý định tự tử ở một mình. Nếu có thể, cất toàn bộ những đồ vật nguy hiểm như dao, dây thừng, thuốc,… tránh xa tầm mắt của họ. Giữ bí mật và chỉ chia sẻ ý định tự tử của họ với chuyên gia tâm lý. Dù hoàn cảnh thực tế có trở nên tồi tệ thế nào đi nữa thì cũng cần nhớ rằng tự tử là có thể phòng tránh được.
    ***
    Mình viết bài viết này với sự cẩn trọng cao nhất khi nhận thức rõ rằng nó có thể giúp ích được phần nào cho nhiều bạn đang phải chống chọi với trầm cảm và dựa trên kinh nghiệm của riêng mình cũng như một số tài liệu từ các tổ chức chuyên giúp đỡ và tư vấn sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, mình cũng phải lưu ý rằng một số điểm trong bài viết này có thể cần được phân tích sâu hơn hoặc đòi hỏi một hướng giải quyết khác cho phù hợp hơn, và vì vậy bài viết này sẽ tiếp tục được cập nhật trong thời gian tới.
    Nguyễn Huy Hoàng là dịch giả, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

2 Kommentare: