Ngứa da là gì?
Ngứa da là một cảm giác khó chịu, gây kích ứng trên da khiến bạn muốn gãi. Tình trạng này có thể trở nên tệ hơn khi da bị khô. Do đó, ngứa da thường xảy ra phổ biến ở người lớn tuổi vì da có xu hướng mất dần độ ẩm theo tuổi tác.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngứa, vùng da bị ảnh hưởng có thể vẫn bình thường, đỏ lên, khô ráp hay nổi sần. Khi gãi nhiều lần có thể khiến vùng da này dày lên hoặc có khi chảy máu, nhiễm trùng.
Nhiều người cảm thấy tình trạng này giảm nhẹ sau khi thực hiện các biện pháp tự chăm sóc da tại nhà như dưỡng ẩm hàng ngày, sử dụng sản phẩm vệ sinh (như sữa tắm, sữa rửa mặt…) dịu nhẹ và tắm với nước ấm. Nếu muốn điều trị lâu dài thì phải xác định và điều trị đúng nguyên nhân gây ra ngứa.
Những dấu hiệu và triệu chứng ngứa da
Bạn có thể cảm thấy ngứa ở một vùng nhỏ nhất định, như ở cánh tay, chân hoặc ngứa trên toàn bộ cơ thể. Vùng da bị ngứa có thể sẽ không có bất kỳ dấu hiệu thay đổi đáng chú ý nào hoặc có khi bị:Đỏ
Sưng, nổi nốt sần hoặc mụn nước
Da khô, nứt nẻ
Da sần sùi hoặc có vảy
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ da liễu nếu bạn bị ngứa:
- Kéo dài hơn 2 tuần và không cải thiện sau khi thực hiện các biện pháp chăm sóc da
- Ngứa nghiêm trọng và ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày hay giấc ngủ
- Xuất hiện đột ngột và không có nguyên nhân rõ ràng
- Ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể
- Đi kèm với những dấu hiệu và triệu chứng khác, như mệt mỏi, sụt cân, thay đổi thói quen đi đại tiện hoặc tần suất đi vệ sinh, sốt, đỏ da
Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn trong 3 tháng mặc dù đã được điều trị, hãy đến gặp bác sĩ da liễu để được kiểm tra da và gặp thêm bác sĩ nội khoa để đánh giá những bệnh lý khác.
Nguyên nhân
Nguyên nhân ngứa da là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra cảm giác khó chịu này. Một số nguyên nhân phổ biến gồm:
- Vấn đề ngoài da. Nhiều vấn đề và bệnh ảnh hưởng đến da, chẳng hạn như da khô, chàm (eczema), vẩy nến, ghẻ, bỏng, sẹo, côn trùng cắn hay mề đay đều có thể gây ngứa.
- Bệnh nội khoa. Ngứa da có thể là triệu chứng của một bệnh lý chưa được chẩn đoán, bao gồm bệnh gan, suy thận, thiếu máu do thiếu sắt, các vấn đề ở tuyến giáp và một số bệnh ung thư (như đa u tủy và ung thư lymphoma).
- Rối loạn thần kinh. Các vấn đề ảnh hưởng đến hệ thần kinh như bệnh đa xơ cứng, đái tháo đường, chèn ép dây thần kinh và bệnh zona (giời leo) cũng có thể gây ra ngứa.
- Bệnh tâm thần. Một vài bệnh tâm thần khiến người bệnh có cảm giác ngứa da như lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và trầm cảm.
- Kích ứng và dị ứng. Nhiều tác nhân như len, hóa chất, xà phòng… có thể gây kích ứng da và khiến bạn bị ngứa. Ngoài ra, một số tác nhân trong thực phẩm (như thành phần lạ, ký sinh trùng) hoặc mỹ phẩm có thể gây ra phản ứng dị ứng trên da. Nhiều người còn dị ứng với thành phần của một số thuốc, thực phẩm chức năng dẫn đến ngứa da.
- Mang thai. Một số phụ nữ khi mang thai cảm thấy bị ngứa da.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp không xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán ngứa da?
Bác sĩ sẽ cần theo dõi tình trạng ngứa của bạn một thời gian, đồng thời thăm khám sức khỏe và đặt một số câu hỏi liên quan. Nếu nghi ngờ tình trạng này là triệu chứng từ một bệnh lý nào đó, bạn sẽ được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm, như:
- Xét nghiệm máu. Xét nghiệm công thức máu toàn phần có thể cho thấy những thay đổi bất thường liên quan đến triệu chứng ngứa, chẳng hạn như thiếu sắt.
- Xét nghiệm chức năng tuyến giáp, gan và thận. Rối loạn chức năng gan hoặc thận, bất thường ở tuyến giáp (như cường giáp) cũng có thể gây ngứa.
- Chụp X-quang ngực. Hình ảnh kết quả có thể cho thấy các hạch bạch huyết có bị sưng to hay không vì đó có khả năng là nguyên nhân gây ngứa da.
Những phương pháp điều trị ngứa da
Việc điều trị thường tập trung vào việc tìm ra nguyên nhân chính xác gây ngứa và loại bỏ nó. Nếu các biện pháp tại nhà không giúp làm dịu da, bác sĩ sẽ khuyên dùng một số thuốc trị ngứa theo đơn hoặc các phương pháp điều trị khác. Các lựa chọn điều trị gồm:
- Kem bôi hoặc thuốc mỡ chứa corticosteroid. Nếu da bị ngứa và đỏ, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng kem bôi hoặc thuốc mỡ lên vùng da bị ảnh hưởng. Sau khi bôi thuốc, bạn có thể che phủ vùng da đó lại bằng gạc y tế hoặc vải cotton ẩm. Việc cấp ẩm cho vùng da bị ảnh hưởng giúp thuốc được hấp thu tốt hơn và có tác dụng làm mát.
- Các loại kem và thuốc mỡ khác. Một số thuốc bạn có thể bôi lên vùng da ảnh hưởng gồm tacrolimus, pimecrolimus, capsaicin hay doxepin.
- Thuốc uống. Các thuốc chống trầm cảm nhóm ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin như fluoxetine, sertraline có thể có tác dụng trong việc giảm nhẹ một số tình trạng ngứa mạn tính.
- Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu). Phương pháp này sử dụng một loại ánh sáng đặc biệt chiếu lên vùng da bị ảnh hưởng. Bạn cần phải thực hiện nhiều đợt trị liệu theo lịch trình cho đến khi tình trạng ngứa được kiểm soát.
Nếu không điều trị triệt để, ngứa da kéo dài hơn 6 tuần (trở thành ngứa mạn tính) có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Ví dụ, tình trạng này gây gián đoạn giấc ngủ và khiến tinh thần luôn lo lắng, buồn phiền. Khi gãi thường xuyên do ngứa có thể làm tăng cường độ ngứa, dẫn đến tổn thương da, nhiễm trùng và gây sẹo.
Các biện pháp tại nhà
Các biện pháp tại nhà giúp giảm bớt ngứa da
Để giảm ngứa tạm thời, bạn có thể những biện pháp sau:
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân khiến bạn bị kích ứng, dị ứng gây ngứa. Hãy để ý và xác định những thứ thường gây ra tình trạng này, chẳng hạn như cọ xát với quần áo, phòng quá nóng, sau khi sử dụng một số sản phẩm vệ sinh cụ thể.
- Giữ ẩm hàng ngày. Bạn nên dùng các sản phẩm dưỡng ẩm không gây kích ứng da, không có hương liệu tại vùng da bị ảnh hưởng ít nhất 1 lần/ngày.
- Sử dụng kem bôi, kem dưỡng thể hoặc gel có tác dụng làm dịu, mát da.
- Hạn chế gãi nhiều nhất có thể. Che vùng da bị ảnh hưởng lại nếu bạn không thể ngừng gãi. Bạn cũng nên cắt ngắn móng tay hoặc có thể đeo bao tay vào ban đêm để tránh gãi mạnh trong khi ngủ.
- Tắm nước ấm và thêm muối Epsom, bột baking soda, bột yến mạch thô có thể giúp giảm ngứa ở một số người. Lưu ý, bạn không nên chà xát quá mạnh vào da trong khi tắm. Sau khi tắm, hãy làm khô da nhẹ nhàng và thoa kem dưỡng ẩm.
- Giảm bớt căng thẳng. Căng thẳng (stress) có thể khiến tình trạng ngứa nặng thêm. Một số cách giúp giảm bớt căng thẳng bạn có thể thử là thiền, tập yoga, châm cứu, nhận tư vấn cùng các chuyên gia.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm. Máy tạo độ ẩm sẽ giúp làm tăng độ ẩm trong không khí nếu các thiết bị như điều hòa, máy sưởi làm cho không khí trong nhà bị khô. Điều này giúp da bạn không bị mất độ ẩm cần thiết.
- Mặc quần áo mỏng nhẹ. Trang phục thoải mái, mỏng nhẹ có thể giúp giữ cho làn da luôn thông thoáng, mát mẻ, giảm cảm giác ngứa.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen